Quy trình số hoá và tái bản tranh

Xin chào,

Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, khi càng ngày càng nhiều thông tin, tài liệu đã và đang được số hoá, thì các tác phẩm nghệ thuật cũng không ngoại lệ. Việc số hoá các tác phẩm nghệ thuật không phải để thay thế tác phẩm gốc, mà chủ yếu để phục vụ cho công việc nghiên cứu, sao lưu và quảng bá một cách hiệu quả mà không phải tác động, gây ảnh tưởng tới tác phẩm gốc. Hôm nay, VG-Lab xin được giới thiệu quy trình số hoá và tái bản tranh của mình, hy vọng chia sẻ chút ít kinh nghiệm để bạn bè gần xa tham khảo.

Quy trình số hoá

Quy trình số hoá là quá trình quét (scan) hoặc chụp lại tác phẩm tranh. VG-Lab chọn phương pháp chụp tranh để số hoá các tác phẩm, bởi khi chụp tranh, chúng tôi có khả năng kiểm soát tuyệt đối về màu sắc, ánh sáng và độ nét của tác phẩm. Nếu để làm được như vậy với kỹ thuật scan, thì hiện tại vẫn rất hạn chế ở Việt Nam.

Và hơn hết, quá trình chụp tranh giảm thiểu nguy cơ tổn hại tranh, bởi khi chụp, tranh không bị bất kỳ tác động trực tiếp nào vào bề mặt, rất an toàn khi số hóa tranh quý.

Setup chụp tranh cao cấp sử dụng máy ảnh Fujifilm GFX100  Fujifilm Vietnam

Tiêu chuẩn kỹ thuật khi chụp tranh:

 

  1. Chụp trong điều kiện ánh sáng có kiểm soát: Chúng tôi sử dụng hệ thống đèn nháy từ Thuỵ Sỹ là broncolor, với nhiệt độ màu cực ổn định tại 5500 độ K.
  2. Tạo profile màu của từng buổi chụp: Khi tranh đã được chụp trong điều kiện sáng ổn định, việc kiểm soát màu sắc chính xác trở nên dễ dàng hơn, chúng tôi sử dụng quy trình tạo profile màu của x-rite colorchecker. Làm được như vậy, file tranh sẽ đạt được màu sắc gần như chính xác tuyệt đối, và nếu cần chỉnh sửa gì thì công việc cũng sẽ dễ dàng hơn.
  3. Dựng file có độ phân giải đủ lớn với tranh gốc: Với những bức tranh từ kích cỡ A3 trở xuống, việc tái tạo lại kích cỡ file rất đơn giản, vì hầu hết máy ảnh chuyên nghiệp trên thị trường đều có khả năng làm việc đó trong 1 cú nhấp máy. Tuy nhiên, với những tranh lớn hơn, chúng tôi phải sử dụng kỹ thuật ghép file, nghĩa là ghép từ nhiều file nhỏ để tạo thành 1 file lớn bằng kỹ thuật Photoshop.
Sử dụng x-rite colorcheck để tạo profile màu cho buổi chụp. Giúp định hướng màu chính xác khi xử lý hậu kỳ.

 

File dung lượng lớn (>500MB), kích thước in nguyên thuỷ của file là 112×123 cm (300PPI), độ phân giải khoảng 190 megapixels. File tranh này được ghép từ 20 files nhỏ chụp từ máy Fujifilm X-pro2 (Setup tiêu chuẩn tại VG-Lab)

 

Nếu duy trì được ba tiêu chuẩn trên thì tranh sẽ được số hoá một cách chính xác về màu sắc và đạt được độ sắc nét cao. Như vậy sẽ giúp cho việc nghiên cứu hay tái bản trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Quy trình tái bản tranh

Tái bản tranh là hình thức nhân bản tranh với các tiêu chuẩn khắt khe từ độ tương đồng về chất liệu, độ chính xác về màu sắc và độ bền so với bản gốc.

Khi quy trình số hoá được thực hiện xong rồi, thì việc tái bản tranh thực chất chỉ gồm các bước: chọn nhà in, chất liệu in, kích thước in và số lượng phiên bản.

VG-Lab cung cấp các lựa chọn chất liệu phong phú và cao cấp bậc nhất trên thế giới, từ hai hãng HahnemuhleILFORD. Thêm vào đó, cùng với kỹ thuật in tinh xảo và mỗi khách hàng đều được hướng dẫn cụ thể về chất liệu in, đến với VG-Lab, khách hàng có thể yên tâm rằng mình sẽ nhận được những bản in hoàn hảo.

danny bach master printer
Các sản phẩm in của VG-Lab luôn được thực hiện trong môi trường kiểm soát chất lượng cao.

 

Tóm lại, trong bài viết này VG-Lab đã cung cấp một số tiêu chí cơ bản để đạt được độ chính xác và sắc nét trong quá trình số hoá và tái bản tranh. Hy vọng có thể giúp các bạn hiểu được thêm về tiêu chuẩn số hoá và tái bản tranh đang được thực hiện trên thế giới hiện nay. Làm được như vậy thì việc nghiên cứu và phổ biến các tác phẩm tranh quý hiếm sẽ dễ dàng và rộng rãi hơn.

Trân trọng,

 

Từ chối trách nhiệm: Chúng tôi tôn trọng luật bản quyền, cho nên với mỗi yêu cầu số hoá và tái bản tranh, khách hàng sẽ được giải thích về quyền hạn sử dụng tài sản trí tuệ (tác phẩm tranh), và họ phải tự chịu trách nhiệm về sự minh bạch trong việc sử dụng tác quyền tranh.

Phụ lục:

Một số tác phẩm được tái bản bởi VG-Lab đang được lưu hành trên hệ thống website Đông Á Danh Hoạ. Mời bạn đọc tham khảo.

Đông Á Danh Hoạ

Một dự án của công ty Hoa Ta