Chào các bạn,
Trong thời gian hoạt động gần 2 năm qua, VG-Lab nhận thấy việc bước chân vào thế giới in ấn mỹ thuật khiến nhiều anh chị em nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia rất bối rối. Bối rối vì quan tâm tới chất lượng, bối rối vì những lựa chọn quá phong phú của in ấn mỹ thuật. Cho nên ngày hôm nay, VG-Lab xin được hướng dẫn anh chị em nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia các bước nhập môn in ấn mỹ thuật như sau:
Bước 1: Lựa chọn nhà in
In ấn mỹ thuật là quy trình in mang tính thủ công nghiệp mỹ nghệ. Công đoạn in yêu cầu khắt khe về quản lý màu sắc, kiểm soát chất lượng bản in từ từ nguyên liệu cho tới hoàn thiện, duy trì hệ thống từ phần mềm cho tới phần cứng. Cho nên những nhà in mỹ thuật thường chỉ sản xuất được số lượng thấp, chứ không phải như nhiều nhà in thương mại, nơi có khả năng sản xuất hàng nghìn bản in mỗi ngày. Vì sự khắt khe đó, quy trình in mỹ thuật thường được kiểm nghiệm và chứng nhận bởi chuyên gia quốc tế. VG-Lab tự hào là nhà in được chứng nhận chất lượng in mỹ thuật đầu tiên ở Việt Nam. Ngoài VG-Lab, một số nhà in mỹ thuật uy tín khác ở tpHCM như Thanh Tùng Photo hay Hoàng Nhiệm.
Bước 2: Lựa chọn chất liệu in
Đây có lẽ là công đoạn gây bối rối nhất trong quy trình sản xuất tác phẩm. VG-Lab hiểu rằng vì điều kiện hạn chế ở Việt Nam, cho nên nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia không được tiếp xúc với các chất liệu in mỹ thuật thường xuyên. Điều đó dẫn tới khiếm khuyết trong việc trải nghiệm và thấu hiểu chất liệu in. Nhưng không sao, hãy tự trả lời những câu hỏi cơ bản sau, VG-Lab sẽ tư vấn cho bạn được chính xác nhất:
- Tác phẩm bạn cần in có cần phải tuổi thọ cao, mang tính lưu trữ? Những dòng giấy mang tính lưu trữ (archival quality) đều có khả năng giữ màu và có độ bền lên tới hàng thế kỷ (trong điều kiện bảo quản đúng cách). Những dòng giấy mang tính lưu trữ có giá cao hơn. Nếu bạn in ấn dùng trong việc trang trí ngắn hạn (văn phòng, khách sạn …), thì bạn có thể tiết kiệm chi phí bằng cách chọn những loại giấy thông thường.
- Bạn muốn hiệu ứng giấy bóng hay không bóng? Đừng vội chọn giấy không bóng (giấy mộc/matte), VG-Lab hiểu rằng bạn sợ tác phẩm bị loá sáng. Nhưng đừng quá vội vàng, vì đối với giấy chất lượng cao thì độ bóng của giấy cũng mang tính thẩm mỹ riêng (hãy tin tôi, nhiều loại giấy vẫn rất đẹp kể cả khi chúng loá sáng). Các tác phẩm nhiếp ảnh thì nên in trên giấy có độ bóng một chút (tất nhiên là không bắt buộc), còn tác phẩm vẽ thì chắc chắn nên chọn giấy không bóng (giấy mộc/matte).
- Bạn muốn bề mặt giấy ra sao? Ngoài độ bóng, vân giấy cũng quyết định thẩm mỹ của tác phẩm rất nhiều. Tuy rằng hiện tại VG-Lab chỉ cung cấp giấy KHÔNG GÂN. Nhưng với những bề mặt giấy mịn như thế, chúng vẫn có sự khác biệt rất tinh tế về vân giấy. Hãy nhìn thật kỹ những bề mặt giấy, bạn sẽ nhận ra sự khác biệt đó.
Hãy dành thời gian để cảm nhận giấy, đây là quy trình tiêu tốn nhiều thời gian và công sức, nhưng đó là điều bắt buộc phải làm.
Hiểu hơn về giấy mỹ thuật trong bài viết ĐỊNH NGHĨA GIẤY MỸ THUẬT
Bước 3: Chuẩn bị file in
In mỹ thuật sử dụng kênh màu RGB (không phải CMYK như in offset). Với sự phát triển của công nghệ, kênh màu RGB có thể sử dụng tới 12 màu mực, tạo ra bản in có chiều sâu và chân thật vượt trội so với hệ màu CMYK.
Cho nên, khi xuất file in mỹ thuật, các bạn hãy xuất file theo thông số sau:
- Định dạng: JPEG hoặc TIF
- Không gian màu: ProPhoto RGB, Adobe RGB hoặc sRGB
- Phân giải: 240-300 ppi
- Kích thước: bằng kích cỡ bản in
Đối với kinh nghiệm của VG-Lab, thì khi đã nắm được 3 bước trên, bạn đã nhập môn in ấn mỹ thuật một cách thật vững chắc. VG-Lab hy vọng rằng in ấn mỹ thuật sẽ không còn quá bỡ ngỡ mới mẻ, để anh chị em nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia có thể tự tin hơn trong việc sản xuất tác phẩm chất lượng cao.
Xin cảm ơn và hẹn gặp lại!