Những kỹ thuật in ấn trong Nhiếp Ảnh

In mỹ thuật kỹ thuật số trên giấy dó.

Những kỹ thuật in ấn trong Nhiếp Ảnh

Nắm vững cách thức một tác phẩm nhiếp ảnh được in ra như thế nào sẽ giúp bạn hiểu sâu sắc giá trị của bản in đó theo thời gian, cùng những phương pháp bảo quản tối ưu cho tác phẩm trong bộ sưu tập của mình.

 

Biết rõ các kỹ thuật in ấn nhiếp ảnh khác nhau còn đảm bảo cho bạn một khoản đầu tư đúng đắn khi tự sản xuất tác phẩm của mình tại bất kỳ giai đoạn nào trong sự nghiệp; hay sưu tầm những tác phẩm Nhiếp Ảnh yêu thích đã trải qua năm tháng.

Nhưng lượng kiến thức này là rất nhiều và thuật ngữ chuyên ngành về in ấn trong Nhiếp Ảnh thì thật khó để am tường hết, vì vậy trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin phép chỉ đề cập vài loại hình in ấn thường gặp nhất được biên soạn bởi Anne Cartier-Bresson (cháu gái Nhiếp Ảnh Gia huyền thoại Henri Cartier-Bresson) với dẫn chú từ Visual Glossary của trang Parisphoto.com.

Visual Glossarybản kê thuật ngữ in ấn nhiếp ảnh được Hội chợ triển lãm ảnh Paris Photo đồng tạo lập với Viện Lưu trữ-Bảo Tồn Nhiếp Ảnh Paris (giám đốc là bà Anne Cartier-Bresson) đăng trên website của Paris Photo.

Visual Glossary cung cấp định nghĩa rất chi tiết kèm minh hoạ trực quan về những kĩ thuật in ấn nhiếp ảnh cổ điển lẫn hiện đại được cập nhật thường niên, vì thế nếu bạn mong muốn nghiên cứu sâu hơn về bộ môn này thì đây là nơi lý tưởng để bạn bắt đầu hành trình của mình. Visual Glossary hiện đang sử dụng 2 ngôn ngữ là Tiếng Pháp và Tiếng Anh.

Albumen Print

Louis Désiré Blanquart-Evrard in 1869
Louis Désiré Blanquart-Evrard in năm 1869

Ở kỹ thuật in này, giấy cotton được tráng thuốc nước với thành phần từ lòng trắng trứng (albumen) sau đó nhúng trong dung dịch bạc nitrat để tạo thành lớp nhạy sáng rồi đem phơi khô ở môi trường tối, không UV. Giấy ảnh khi sẵn sàng sẽ được đặt dưới âm bản để khi rọi sáng, dương bản sẽ hiện lên trên mặt giấy.

Kỹ thuật in ảnh sử dụng lòng trắng trứng này được phát minh vào năm 1847 và trở nên thịnh hành nhanh chóng nhờ khả năng thể hiện dải tương phản rộng hơn, cho ra bức ảnh sắc sảo hơn so với những kỹ thuật ra đời trước.

Tuy vậy, bản in sản xuất từ kỹ thuật này lại dễ dàng xuống cấp, thể hiện rõ nhất như mất độ nét vùng sáng hay vùng sáng ngả màu vàng, tổng thể bản in bị bạc màu hay chuyển màu khác so với ban đầu. Những hư tổn này gây ra bởi khả năng chịu ẩm kém của bản in albumen, vì thế môi trường bảo quản lý tưởng phải duy trì được độ ẩm từ 30-40%.

 

Chromogenic Print (hay còn gọi là C-print)  

Nhiếp ảnh: Severin Koller In bởi: Rosi
Nhiếp ảnh: Severin Koller – In bởi: Rosi

Với các lớp phủ bề mặt có thành phần là gelatin chứa bạc halogen nhạy sáng kết hợp cùng thuốc tạo màu, bản in chromogenic có khả năng thể hiện đầy đủ màu sắc được rọi ra từ film dương bản, âm bản màu hoặc ảnh kỹ thuật số nhờ những phản ứng hoá học giữa các lớp phủ bề mặt với hóa chất tráng rửa sau khi rọi.

Chi phí thấp nhưng tính linh hoạt lại cao (áp dụng được cho những bề mặt giấy khác nhau) đã đưa kỹ thuật này trở thành phương thức in ấn ảnh phổ biến nhất giai đoạn giữa thế kỷ 20 cho đến khi in ấn kỹ thuật số ra đời.

Điểm hạn chế của in chromogenic nằm ở sự thiếu ổn định của thuốc tạo màu khiến màu sắc bản in rất dễ phai, đòi hỏi điều kiện bảo quản phải hạn chế ánh sáng và nhiệt độ thấp -2℃, theo tiêu chuẩn của Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ.  

Cyanotype

Cyanotype on Do by Noirfoto
Cyanotype in trên giấy dó bởi Noirfoto

Cyanotype là một trong những kỹ thuật in ảnh đơn sắc lâu đời nhất mà không cần dùng đến muối bạc, thay vào đó là muối sắt được sử dụng làm chất nhạy sáng khiến quy trình in ảnh đơn giản hơn, nhanh chóng và chi phí thực hiện cũng thấp hơn.

Thuốc hiện ảnh gồm ammonium iron citrate (muối citrate của amoni và sắt) potassium ferricyanide (muối xyanua của kali và sắt) được quét lên mặt giấy rồi phơi khô nơi tối. Khi rọi, tia UV từ ánh sáng mặt trời phản ứng với hoá chất làm hiện ảnh lên giấy. Sau đó bản in được rửa với nước sạch để xả hết muối sắt dư và để khô.

Cyanotype được phát minh từ năm 1842 nhưng do sắc xanh dương đậm đặc thù mà không thoả mãn được yêu cầu về tính “hiện thực” của những nhiếp ảnh gia thương mại thời bấy giờ. Mãi đến cuối thế kỷ 19, kỹ thuật này mới bắt đầu thịnh hành và được ưa chuộng bởi giới nhiếp ảnh nghệ thuật.

Bản in Cyanotype cũng yêu cầu những điều kiện bảo quản riêng như môi trường lưu trữ phải thoáng khí hơn những bản in khác. Đặc biệt tránh sử dụng những vật liệu có tính kiềm cao (buffered materials) để lưu trữ vì hoá chất trong bản in có thể phản ứng với kiềm gây hư tổn, vật liệu bảo quản có độ pH trung tính là giải pháp tốt nhất cho bản in cyanotype.

Pigment ink print (Ngày nay gọi là in phun mỹ thuật kỹ thuật số – tức “in mỹ thuật”)

In mỹ thuật kỹ thuật số trên giấy dó.
In mỹ thuật kỹ thuật số trên giấy dó thực hiện bởi VG-Lab.

Được sáng tạo lần đầu tiên vào thập niên 50 nhằm phục vụ việc in văn bản và chỉ đến thập niên 90 mới phát triển thành kỹ thuật in phun mực sắc tố (pigment ink) với cơ chế Drop on Demand, mực được phun nhỏ giọt nhờ hệ thống tạo nhiệt nơi đầu vòi phun (thermal) hoặc hệ thống tạo rung cơ học bằng hiệu ứng áp điện (piezoelectric).

Giấy sử dụng cho kỹ thuật in phun đều có phủ một lớp ngậm mực (ink recieving layer) và đa dạng về bề mặt lẫn kết cấu mà trong đó giấy cotton tinh khiết được sử dụng riêng cho in mỹ thuật.

Kỹ thuật in phun cho ra bản in với độ sắc nét cao và rất bền màu nên được sử dụng rộng rãi. Dù vậy vẫn cần bảo quản những bản in pigment một cách cẩn thận như sử dụng vật liệu lưu trữ không chứa acid hay hạn chế tối đa việc bản in tiếp xúc với môi trường ô nhiễm cũng như tia cực tím.

 

Salted paper print

Salt print
James Ballantine, Dr George Bell and David Octavius Hill by Hill & Adamson, một bản in Salt thực hiện năm 1844

Vào giữa những năm 1830s, William Henry Fox Talbot đã phát minh ra kỹ thuật in ảnh mang tính cách mạng này, lần đầu tiên một dương bản được tạo ra   

Để thực hiện, người ta sử dụng giấy cotton tinh khiết được chuẩn bị qua 2 bước: đầu tiên là nhúng trong nước muối biển loãng (sodium chloride) và để khô. Giấy sau đó được quét một lớp thuốc gồm nước và bạc nitrat đậm đặc cho phản ứng với muối biển có trên giấy để tạo ra muối bạc (silver chloride) vô cùng nhạy sáng (công đoạn này được Louis-Désiré Blanquart-Évrawd cải tiến bằng cách thả nổi tờ giấy trên dung dịch bạc nitrat để tráng một lớp nhạy sáng thật đều nhằm tạo ra bức ảnh rõ nét hơn sau khi rọi).  

Kỹ thuật này được ưa chuộng nồng nhiệt khắp Châu Âu, đặc biệt là tại Pháp, cho đến những năm 1860.

Do đặc thù nhạy sáng của các hoá chất sử dụng trong kỹ thuật này, bản in muối rất dễ bị hư tổn nếu tiếp xúc với ánh sáng trong thời gian dài, cường độ cao. Môi trường bảo quản phải thường xuyên được giữ khô ráo vì muối có khả năng hút ẩm mạnh.

 

Gum Print

Gum print
Trích từ workshop kỹ thuật in gôm 3 màu với chuyên gia DIANA H. BLOOMFIELD

Gum (hay gôm) là những hợp chất keo ưa nước có nguồn gốc thực vật hoặc vi sinh vật. Bản chất của gôm là đường. Khi người ta phát hiện ra khả không tan trong nước của gôm arabic sau khi tiếp xúc với ánh sáng cũng là lúc kỹ thuật in ảnh bằng gôm bắt đầu được nhen nhóm.

Hỗn hợp gồm gôm arabic, muối phức của kali và crom (potassium chromate) trộn với bột sắc tố (pigment) được quét lên giấy dày để tạo lớp nhạy sáng cho công đoạn rọi ảnh. Bản in được tạo ra sau nhiều lần rọi tráng nhằm đạt đến sắc độ mong muốn.      

Là một kỹ thuật khó, tính thẩm mỹ của mỗi bản in gôm phụ thuộc rất lớn vào tài nghệ của người thực hiện nên kỹ thuật này được các nghệ sỹ nhiếp ảnh thể nghiệm đặc biệt ưa chuộng.

Tuy có độ bền cao nhưng những yêu cầu về bảo quản vẫn cần thực hiện chu đáo để bản in không mất giá trị của mình.

 

Platinum print

Coming Home from the Marshes, platinum print by Peter Henry Emerson, 1886
Coming Home from the Marshes, bản in platinum thực hiện bởi Peter Henry Emerson, năm 1886

Dựa trên tính nhạy sáng của ferric oxalate (muối sắt của acid oxalic) và potassium chloroplatinate (muối bạch kim), kỹ thuật cho ra bản in đơn sắc này còn có tên gọi khác là platinotype.

Sau khi rọi, ảnh được hình thành trực tiếp lên sợi giấy nên bản in không có độ bóng như những kỹ thuật sử dụng nhũ tương chứa muối bạc làm lớp phủ bề mặt khác, độ bền cũng vì thế vượt trội hơn, ko bị giới hạn bởi lớp phủ kia mà nhanh chóng xuống cấp. Một đặc điểm quan trọng nữa của bản in platinum nằm ở dải sắc độ rộng, đặc biệt là sắc đen rất sâu, đã chinh phục được những nhiếp ảnh gia huyền thoại như Irving Penn, Horst P. Horst…

 

(Dịch từ The Photography Collector’s Handbook)

Đăng ký nhận tin VG-Lab

Các bài viết liên quan