IN ẤN CHUYÊN NGHIỆP CHO NHIẾP ẢNH – Phần 2: Quy trình in

PHẦN 2: GIỚI THIỆU VỀ QUY TRÌNH IN ẤN CHUYÊN NGHIỆP

Là phần tiếp nối của chuỗi bài viết về in ấn chuyên nghiệp cho nhiếp ảnh do NAG/Master Printer Bạch Nam Hải của Vietnam Giclée Lab biên soạn. Đọc phần 1: Tại đây

Thiết lập môi trường làm việc có kiểm soát màu sắc, lựa chọn và cài đặt thiết bị đầu cuối chính xác. Monitor calibration, printer calibration, tiêu chuẩn sáng D50 là gì.

Bốt xem ảnh dưới ánh sáng chuẩn D50 của hãng GTI lite. (Nguồn ảnh: GTILite)

 

Ở phần 2 của series In ấn chuyên nghiệp cho nhiếp ảnh, tôi xin được giới thiệu về quy trình in ấn chuyên nghiệp trong đó bao gồm: Thiết lập môi trường làm việc và một workflow xuyên suốt, lựa chọn và cài đặt thiết bị đầu cuối chính xác. Monitor calibration, printer calibration, tiêu chuẩn sáng D50 là gì.

Đây là quy trình làm việc chung của hầu hết các ngành liên quan tới hình ảnh/màu sắc chính xác nói chung, cũng như nhiếp ảnh nói riêng.

 

Luôn làm việc trong môi trường có kiểm soát màu sắc (Color management).

 

Khi nói tới việc kiểm soát màu sắc trong môi trường làm việc ta cần quan tâm tới cả phần cứng hơn và phần mềm. Đối với phần mềm, việc chỉnh sửa và xem ảnh luôn luôn được thực hiện trong các phần mềm kiểm soát màu chuyên nghiệp như CaptureOne, Photoshop, Lightroom … Tuy nhiên trong bài viết này tôi xin được nói sâu hơn về phần cứng hơn là phần mềm.

Sau đây tôi xin nói tới những thiết bị có ảnh hưởng trực tiếp tới việc nhìn và đánh giá màu sắc của người làm nhiếp ảnh.

Khi nói tới kiếm soát màu sắc, tôi xin chia làm 2 mảng là:

  • “Đầu vào”: là các thiết bị ảnh hưởng trực tiếp tới việc tạo ra file ảnh như máy ảnh, ống kính …
  • “Đầu ra”: Những thiết bị giúp chuyển ảnh số thành ảnh thật như màn hình, máy in và các thiết bị kèm theo.

Tôi xin chỉ nói chủ yếu tới “Đầu ra” vì chắc ai đọc bài viết này cũng đều có lựa chọn cho mình một hệ thống máy ảnh phù hợp rồi, nên xin không bàn tới phần “Đầu vào” tại đây. Chỉ có một lưu ý là luôn luôn chụp file Raw, vì file Raw lưu trữ được mọi màu sắc mà cảm biến của máy ảnh chụp lại được, như vậy mới sản xuất được file ảnh chất lượng cao nhất.

1. Màn hình:

Màn hình máy tính là cánh cửa sổ duy nhất để nhiếp ảnh gia có thể thấy được ảnh mình ở trong phòng tối điện tử (Digital darkroom). Hầu hết màn hình máy tính trên thị trường hiện nay đều thể hiện hình ảnh một cách chấp nhận được. Nhưng chỉ có vài phần trăm nhỏ nhoi trong số đó là thể hiện được gần hết màu mà một file ảnh có thể thể hiện.

 

Màn hình Eizo ColorEdge CG248-4K 24″ có tích hợp thiết bị cân màn hình.

Trên thị trường, màn hình Apple và các thiệt bị của Apple được đánh giá rất cao. Thực chất chúng chỉ thuộc hàng rẻ tiền trong các loại màn hình cao cấp mà thôi. Như màn hình Macbook Retina 15” 2012 chỉ có thể hiển thị được 78% bộ màu Adobe RGB 1998. Còn các máy iMac (Retina hay không) đều phải chịu đằng sau tấm hình là một dàn bo mạch và đủ các linh kiện khác, chúng đều phải chịu một sức nhiệt lớn. Do đó chúng dẫn đến sự kém ổn định của màn hình iMac so với Macbook/hay với các màn hình chuyên dụng.

Những màn hình cao cấp phục vụ được công việc hiển thị chính xác thường thể hiện được trên 90% hoặc nhiều hơn bộ màu Adobe RGB 1998, thậm chí là hiển thị cả được bộ màu cực rộng được sử dụng rộng rãi vài năm gần đây là ProPhoto RGB.

Trong dải màu mắt người có thể nhìn thấy được thì ProPhotoRGB hiện nay là hệ thống màu lưu trữ được nhiều màu nhất. Epson 2200 Prem. Luster là một loại giấy in phun của Epson. Rồi sau đó mới tới Adobe RGB 1998. Tiếp theo là Chromira: mức độ thể hiện màu của máy in truyền thống Chromira (C-Printer) cao cấp.

Một màn hình phục vụ công việc nhiếp ảnh hay đồ hoạ thường phải có sự kiểm soát nhiệt ổn định, góc nhìn thị rộng, thể hiện được dải màu rộng. Các hãng danh tiếng chuyên sản xuất màn hình phục vụ đồ hoạ có thể kể đến như: Eizo, Dell, NEC, BenQ, Asus … đều có các dòng sản phẩm phục vụ đồ hoạ với nhiều mức giá khác nhau.

Khi sở hữu một màn hình có thông số mong muốn rồi, ta phải cân chỉnh màn hình theo đúng môi trường làm việc và khả năng hiện thị của nó. Tất cả các loại màn hình đều phải cân chỉnh lại sau khi mua về. Và sau một thời gian làm việc hoặc bị di chuyển, chúng thường có xu hướng thay đổi cách hiển thị màu sắc. Do đó việc cân chỉnh màn hình một cách định kỳ là rất quan trọng, trong suốt thời gian sử dụng màn hình.

Khi cân chỉnh màn hình chúng ta phải sử dụng tới các thiết bị cân chỉnh màn hình (Monitor calibrator), một số hãng uy tín sản xuất thiết bị cân chính màn hình là: X-Rite, DataColor.

Phòng in VG-Lab một chiều nắng đẹp.

Một số lưu ý khi cân chỉnh màn hình:

  • Khi cẩn chỉnh màn hình bằng cảm biến (Sensor), hơi nghiên màn hình về phía sau một góc nhỏ (Như ảnh trên). Như vậy cảm biến sẽ nằm sát mặt màn hình hơn, giảm thiểu nhiễu ánh sáng.
  • Cân màn hình ở môi trường làm việc của mình là tốt nhất, ở mức sáng đó, góc làm việc đó, một số máy cân chỉnh cao cấp sẽ có cả cảm biến ánh sáng môi trường xung quanh. Thiết bị loại này không những giúp cân chỉnh màu, còn giúp bạn chọn cho mình một chế độ sáng thích hợp cho màn hình của mình nữa.

    2. In ấn:

Đối với in ấn thì tôi chỉ xin nói tới việc kiểm soát in ấn cho in mỹ thuật bởi vì quá trình phức tạp của nó. Còn với in truyền thống, mức độ kiểm soát chất lượng bị hạn chế hơn rất nhiều, quy trình in truyền thống rất đơn giản: mang file ra tiệm in và chờ lấy bản in là xong, chất lượng bản in phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố may rủi. Thêm nữa, vì các máy in truyền thống in được dải màu rất hẹp so với máy in phun mực sắc tố, cho nên chúng cũng chỉ in được trong giới hạn của bộ màu sRGB mà thôi. Còn các máy in phun mực sắc tố công nghệ cao ngày nay, hầu hết đều có khả năng in vượt qua được bộ màu lớn nhất hiện nay là ProPhoto RGB (Chân thực hơn, gần hơn tới dải màu mà mắt người nhìn thấy được).

 

Đối với in ấn mỹ thuật, ngoài việc mỗi loại giấy thể hiện màu một cách khác nhau, bản thân máy in cũng thay đổi trong việc thể hiện màu sắc, phụ thuộc vào các yếu tố như thời gian, sự dịch chuyển, thay đổi mực … do đó, ta phải hiểu được sự thay đổi này của máy in để tiện cho việc xử lý hình ảnh in sau này, và hơn hết là biết được loại giấy ta sử dụng thể hiện ảnh của ta ra sao. Công việc này được gọi là tạo ICC Profile cho máy in và giấy (Gọi tắt là tạo profile máy in). Mỗi máy in và 1 loại giấy sẽ có một ICC Profile riêng để khi mở bằng Photoshop hoặc các phần mềm có kiểm soát màu sắc khác, ta có thể gán những ICC Profile này vào ảnh của mình. Rồi từ đó ta sẽ biết được bản in của ta sẽ được thể hiện ra sao. Công việc đó gọi là Softproof (Sẽ được giới thiệu thêm ở phần sau).

Việc tạo profile máy in khác nhau với các hãng khác nhau, nhưng cơ bản bao gồm hai bước sau:

  • In file mẫu: Với mỗi máy in và 1 loại giấy, ta phải in một file mẫu được cung cấp bởi nhà sản xuất thiết bị đọc màu.
  • Tạo profile: Mỗi bản in mẫu đó là tham chiếu cho thiết bị đọc màu, rồi từ đó tạo được ICC profile tương ứng. Có thể kể tên một số hãng như sau: hãng lâu năm như X-Rite, hoặc gần đây có Datacolor (chuyên sản xuất thiết bị cân màn hình) cũng đã bắt đầu có sản phẩm tạo profile đầu tiên.
Hình ảnh tạo ICC Profile tại VG-Lab

Đối với việc in ấn mỹ thuật, một quy trình làm việc có trình tự hợp lý là rất quan trọng, các bạn đọc có thể tham khảo quy trình làm việc của VG-Lab như sau:

  • Chọn tác phẩm muốn in, chỉnh sửa xong xuôi.
  • Chọn loại giấy in phun mong muốn cho tác phẩm của mình. (Các bạn có thể vào LINK để tìm hiểu về các loại giấy mỹ thuật đang có tại VG-Lab tới Vietnam Giclee Lab để được tư vấn miễn phí).
  • Softproof bằng Photoshop sử dụng ICC Profile tương ứng cho loại giấy mình chọn.
  • Chỉnh sửa lại màu sắc, sáng tối cho phù hợp với mong muốn.
  • Gửi file đi in thử (proofing).
  • Duyệt bản in thử.
  • Sửa lại nếu cần. Sau đó in thử lần 2.
  • Lặp lại bước trên cho tới khi ưng ý với bản in.
  • Thực hiện bản in hoàn thiện.

Quy trình làm việc trên sẽ được nói cụ thể hơn ở phần sau của series In ấn chuyên nghiệp cho nhiếp ảnh này.

3. Môi trường làm việc:

Môi trường làm việc trong việc kiểm soát màu sắc cho các sản phẩm in, được gọi tên là Ánh sáng ban ngày (Daylight ~5000K). Nhưng như ai cũng biết rằng nhiệt độ màu “ánh sáng ban ngày” thay đổi theo thời gian trong ngày. Do đó, việc đầu tư một không gian làm việc mô phỏng ánh sáng ban ngày chuẩn ~5000 độ K là rất quan trọng.

So sánh nhiệt độ màu giữa các tiêu chuẩn sáng thông dụng nhất D65 và D50. (Nguồn: Thouslite)

Đó là lý do cho sự ra đời của tiêu chuẩn ánh sáng mang tên D50 (nhiệt độ màu tương đương 5000K) – các bạn có thể tham khảo các hãng sản xuất thiết bị quan sát màu sắc và bóng đèn có sử dụng tiêu chuẩn D50 của các hãng sau: GTI lite, JUST Normlicht, SOLUX.

Tiêu chuẩn ánh sáng D50 được sử dụng rất phổ biến trong các bảo tàng, phòng tranh trên thế giới do việc thể hiện màu sắc trên các bản in tốt nhất trong các tiêu chuẩn ánh sáng khác.

Có thể bạn thắc mắc rằng tại sao chúng ta cần phải xem ảnh in dưới 1 tiêu chuẩn nhất định? Vì sau này khi chúng ta mang bản in ra xem, không phải nơi nào cũng đạt được tiêu chuẩn D50 như khi chúng ta duyệt bản in trong phòng in.

Làm việc trong môi trường ánh sáng có kiểm soát giúp ta phân biệt được sự dịch chuyển của màu sắc khi ta in trên bề mặt khác nhau; phương pháp hậu kỳ ảnh khác nhau cũng dẫn đến sự thay đổi của màu sắc bản in. Giảm thiểu công việc đoán. Từ đó, ta xác định được những gì muốn thay đổi, sau đó tinh chỉnh được từng màu sắc mà người nghệ sĩ mong muốn.

Trong bài viết về quy trình in này, tôi đã nêu ra được những yêu cầu trong thiết lập một hệ thống kiểm soát màu sắc dành cho in ấn mỹ thuật đồ hoạ và nhiếp ảnh, thậm chí, nó còn được áp dụng cho việc tái bản tranh vẽ nghệ thuật – một quy trình sản xuất phức tạp khác mà tôi không tiện bàn sâu tại đây.

Các bạn đọc bài mà thấy cần bổ sung hay gì thắc mắc xin hãy chia sẻ. Chúng ta cùng học hỏi lẫn nhau.

Đọc phần 3 tại đây: http://vietnamgicleelab.com/2017/06/17/chuyen-nghiep-cho-nhiep-anh-phan-3-hoan-thanh-in/

 

Các nguồn tham khảo:

Đăng ký nhận tin VG-Lab

Các bài viết liên quan